Trái cây cho bé ăn hằng ngày rất quan trọng, giúp bổ sung vitamin và muối khoáng.
Trái cây ngon miệng, chứa nhiều vitamin,muối khoáng cần thiết và là một loại thực phẩm không thể thiếu cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên lựa chọn trái cây cho bé là một điều không hề đơn giản. Sau đây chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý lựa chọn những loại trái cây cho bé giàu vitamin.
Những trái cây cho bé ăn giàu vitamin được xếp theo thứ tự như sau:
– Tiền tố vitamin A: dưa hấu, đu đủ chín, hồng đỏ, quýt, xoài chín, cam.
– Vitamin C: bưởi, ổi, dâu tây, nhãn, quýt, đu đủ chín, nho, quất chín, cam, chanh.
– Vitamin E không có nhiều trong các loại quả mà chủ yếu có trong các loại hạt nảy mầm như mầm ngô, mầm lúa mì, giá đậu… Các loại dầu thực vật như dầu ngô, dầu đậu nành… cũng có nhiều vitamin này.
Khi ép các loại trái cây lấy nước uống, hàm lượng vitamin cũng bị hao hụt một phần. Vì vậy, cách tốt nhất để nhận đủ vitamin từ trái cây là ăn trực tiếp. Trái cây tươi còn cung cấp thêm các chất xơ rất cần thiết cho sức khỏe, giúp điều hòa nhu động ruột, chống táo bón và giảm cholesterol máu.
Ngoài việc cung cấp các vitamin A, C, trái cây còn chứa một số ít vi chất nhóm B (B1, B2, PP) và các chất khoáng như canxi, phốt pho, sắt, kali, magiê, kẽm, selen…
Thời gian hợp lý nhất để cho bé ăn trái cây là vào buổi chiều, sau khi bé ngủ dậy hoặc khoảng thời gian ở giữa hai bữa chính. Mỗi lần bạn cho bé ăn từ 50 – 100 gram hoa quả tùy theo khả năng hấp thụ và độ tuổi của bé. Trẻ – 3 tháng tuổi chỉ nên uống nước trái cây, từ 4 tháng tuổi trở lên mới bắt đầu cho ăn hoa quả.
không nên coi trái cây cho bé thay rau : Nhiều người cho rằng hoa quả sẽ thay thế được rau xanh, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Vì hàm lượng muối khoáng và chất xơ trong hoa quả ít hơn rau xanh, đồng thời trong rau xanh còn có một số chất mà hoa quả không thay thế được. Cho nên bạn cần kết hợp cho bé ăn kèm rau xanh trong các bữa chính và bổ sung hoa quả ở các bữa ăn phụ.
Cha mẹ cần nắm vững nguyên tắc “ăn từ từ, vừa ăn vừa quan sát”. Tức là cho bé ăn thử ít một, quan sát xem liệu có dấu hiệu không tốt như đau bụng, đi ngoài hay dị ứng hay không, sau đó mới quyết định có nên tiếp tục cho trẻ ăn hay không.
Theo BS Trần Thị Hồng Loan – Người Lao Động