Nước trái cây cho bé uống tốt nhất là sau 6 tháng tuổi
Trái cây ngon miệng, chứa nhiều vitamin,vi chất,muối khoáng cần thiết và là một loại thực phẩm không thể thiếu cho sự phát triển của trẻ. Nhưng cho trẻ ăn quả gì và ăn như thế nào là một điều không hề đơn giản. Sau đây chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý hướng dẫn lựa chọn nước trái cây cho bé một cách khoa học.
Nên cho trẻ ăn hoa quả phù hợp với độ tuổi, thể chất và không nên coi như có thể thay thế cho rau xanh
Nước trái cây dù là rất tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ, tuy nhiên, nếu cho trẻ dùng nước trái cây trước 6 tháng tuổi có thể gây nên những bất lợi nhỏ.
Nước trái cây cho bé – Tốt nhất sau 6 tháng tuổi
Với mong muốn giúp con có thêm vitamin và tiêu hóa tốt, bạn cho con uống nước trái cây từ rất sớm, thậm chí từ vài tuần tuổi. Tuy nhiên, theo các bác sĩ khoa nhi, việc cho trẻ dùng nước trái cây trước 6 tháng tuổi là điều không nên.
Trước 6 tháng tuổi, sữa bột hay sữa mẹ đã cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. Do đó, nếu cho trẻ uống nước trái cây lúc này, trẻ sẽ no nên có khuynh hướng bú sữa ít hơn hoặc chán sữa. Điều này dễ làm bé thiếu các dưỡng chất cần thiết..
Hơn nữa, hầu hết nước trái cây đều giàu chất đường, khi nạp vào cơ thể non yếu của trẻ có thể gây tiêu chảy. Việc trẻ uống nước có vị ngọt từ độ tuổi quá sớm dễ tạo thành thói quen thích uống và ăn đồ ngọt sẽ không tốt cho sức khỏe, tiềm ẩn những rủi ro về tiểu đường hoặc rối loạn hệ tiêu hóa sơ sinh.
Trước 6 tháng tuổi, nước trái cây cho bé chỉ dùng trong trường hợp được bác sĩ chỉ định nhằm chống táo bón mà thôi. Từ sau 6 tháng tuổi, khi trẻ bắt đầu ăn cứng là lúc trẻ cần đến vitamin C từ rau quả. Lúc này bạn nên bắt đầu cho bé uống nước trái cây.
Nước trái cây cho bé – Hạn chế chất đường
Khi cho trẻ uống nước trái cây, nhớ hãy pha loãng nước trái cây. Dùng 5ml (một thìa cà phê) nước trái cây pha vào 50ml nước lọc. Nước cam tươi nên được hòa với nước đun sôi để nguội là tốt nhất. Hoặc có thể sử dụng si rô nho hòa với nước đun sôi để nguội với tỷ lệ 1 si rô 10 nước.
Tuyệt đối không đựng nước hoa quả vào bình, chai để cho trẻ ngậm uống vì cách uống này thường khiến cho trẻ ngậm mút trong một thời gian dài, a-xít từ các loại hoa quả sẽ làm hỏng men răng bé. Thay vào đó hãy đổ nước hoa quả đã hòa vào một chiếc tách và cho bé uống hết ngay một lúc.
Bạn cũng không nên cho bé uống nước trái cây trước giờ đi ngủ vì a-xít trong nước trái cây có thể làm bé bứt rứt, khó ngủ. Uống quá nhiều nước trái cây có thể khiến trẻ suy dinh dưỡng (do trẻ không còn muốn ăn các thức ăn khác nữa) và cũng có thể khiến trẻ trở nên hấp thụ kém carbohydrate, hỏng men răng, tiêu chảy. Tốt nhất, nên cho trẻ uống một cốc nước ép nhỏ một ngày, đừng vượt quá mức này vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, chưa hấp thụ được chất chua và đường hiệu quả.
Ngoài ra, còn có nhiều cách để bổ sung nguồn Vitamn cho trẻ, thay vì chỉ uống nước trái cây, bạn cho con nhấm nháp một chút sinh tố như nước cam ép chuối nghiền hay lê xay. Nếu bạn dùng nước trái cây đóng hộp, hãy tránh loại có cho thêm đường, chỉ nên dùng loại ngọt vừa để bé thưởng thức. hoặc nếu con bạn biếng ăn thì có thể dùng chút sữa ong chúa, giúp bé ăn ngon hơn.
Những trái cây giàu vitamin được xếp theo thứ tự như sau:
– Tiền tố vitamin A: dưa hấu, đu đủ chín, hồng đỏ, quýt, xoài chín, cam.
– Vitamin C: bưởi, ổi, dâu tây, nhãn, quýt, đu đủ chín, nho, quất chín, cam, chanh.
– Vitamin E không có nhiều trong các loại quả mà chủ yếu có trong các loại hạt nảy mầm như mầm ngô, mầm lúa mì, giá đậu… Các loại dầu thực vật như dầu ngô, dầu đậu nành… cũng có nhiều vitamin này.
Khi ép các loại trái cây lấy nước uống, hàm lượng vitamin cũng bị hao hụt một phần. Vì vậy, cách tốt nhất để nhận đủ vitamin từ trái cây là ăn trực tiếp. Trái cây tươi còn cung cấp thêm các chất xơ rất cần thiết cho sức khỏe, giúp điều hòa nhu động ruột, chống táo bón và giảm cholesterol máu.
Ngoài việc cung cấp các vitamin A, C, trái cây còn chứa một số ít vi chất nhóm B (B1, B2, PP) và các chất khoáng như canxi, phốt pho, sắt, kali, magiê, kẽm, selen…
Theo BS Trần Thị Hồng Loan – Người Lao Động